EMOTIONAL NEGLECT - tổn thương bị bỏ bê cảm xúc - Healing with Rose
EMOTIONAL NEGLECT - những người quen giữ lại nỗi đau cho riêng mình
EMOTIONAL NEGLECT là tổn thương bị bỏ bê cảm xúc, có biểu hiện là những người quen giữ lại nỗi đau cho riêng mình, ngại chia sẻ, là người có tuổi thơ mà ở đó sau những trận khóc đứa trẻ tự nín, đôi mắt tự ráo hoảnh, nhận ra xung quanh mình chẳng có ai để tâm, coi trọng những thứ cảm xúc bộc phát của mình. Người đó, học được từ rất sớm, rằng cảm xúc là thứ gì đó không cần thiết đòi hỏi sự chú ý đâu, cứ bỏ qua nó, nó không quan trọng.
Đó là EMOTIONAL NEGLECT
Mình đã từng gặp rất nhiều bạn tìm đến mình xem bài, tư vấn tâm sự chữa lành nói rằng: tuổi thơ chẳng có gì nghiêm trọng cả, gia đình cũng không có biến cố gì lớn vì sao lại thấy bản thân có đủ biểu hiện đứa trẻ bên trong bị tổn thương. Rất có thể, thứ gọi là tổn thương, nó nhỏ nhưng nó nhiều, bạn gặp nhiều bạn coi nó là chuyện bình thường, bạn quen rồi thì làm sao bạn gọi nó là bất thường nữa. Nhưng tâm hồn thì không dễ gì quen với tổn thương, dù tâm trí quen, tâm hồn vẫn không quen, vẫn khát khao hạnh phúc...
Emotional neglect - tổn thương bị bỏ bê cảm xúc, nó phổ biến và là nỗi đau âm ĩ của rất nhiều người. Nó là thứ mình nói nó nhỏ và nhiều, nhiều đến mức quen và coi nó là bình thường, dù nó tàn phá tình yêu dành cho bản thân, sự kết nối thấu hiểu bản thân, hay những vấn đề bệnh cơ thể, tinh thần. Dù nó tàn phá thế nào, nhưng vì nó nhiều, nó quá quen thuộc nên người ta coi nó là bình thường.
Về vấn đề này mình có lưu một đoạn khi mình google tổng hợp thông tin:
"Cha mẹ bỏ bê cảm xúc của con cái vì đã từng bị bỏ rơi về mặt cảm xúc bởi chính cha mẹ mình. Theo nghiên cứu, sự lãng quên tình cảm trong gia đình có xu hướng xảy ra một cách tự nhiên theo nhiều thế hệ, vì nó được truyền lại một cách vô hình và âm thầm từ thế hệ này sang thế hệ khác. Khi được lớn lên trong một gia đình ít chia sẻ và không có hỗ trợ về mặt tinh thần, họ không thể trao cho người khác sự quan tâm, chia sẻ và cách thể hiện tình cảm mà bản thân họ chưa bao giờ nhận được"
Không cần biết độ xác thực thông tin đâu, nếu bạn từng trải qua và nhận biết được nó, thành thật với bản thân đủ nhiều bạn sẽ biết nó đúng, vì nó là điều xảy ra bình thường, như buổi trưa nếu không mây mưa thì có nắng. Và đây là cách lớn lên quen thuộc của nhiều người, ta vẫn sống trong một cộng đồng mà việc kết nối cảm xúc của ba mẹ con cái rất lỏng lẻo, việc lắng nghe, tôn trọng cảm xúc của con được gắn mác là "sợ con", "chiều hư", "không biết dạy con"... Và ta lớn lên ta cũng cũng sợ "chiều hư mình", khi mà ai đó bảo ta nên tôn trọng và lắng nghe cảm xúc của mình. Hẳn hoi, mấy chục năm cuộc đời được dạy, được THỊ PHẠM nhiều lần để coi thường và bỏ bê cảm xúc, thì khi bắt đầu chữa lành, đứa cố vấn lạ hoắc ở đâu rớt xuống lại kêu mình làm điều ngược lại, ai mà không thấy khó khăn, sợ hãi. Thậm chí, không ít lần mình phải hướng dẫn các bạn ghi nhận luôn cả cảm xúc tội lỗi và nguồn gốc niềm tin dẫn đến cảm thấy tội lỗi song hành với việc thực hành làm quen cảm xúc, cảm nhận cảm xúc. Chỉ đơn giản thôi, ai đó yêu cầu bạn điều gì, bạn muốn từ chối, bạn lập tức thấy tội lỗi, khó xử không từ chối được dù thật sự bận hay mệt. Khi bạn buồn vì một người bạn nào đó đi chơi với nhóm bạn mới, bạn lập tức thấy xấu hổ về cảm xúc đi tới bên trong mình, bạn tự bắt mình phải tôn trọng và đừng đeo bám, kiểm soát người khác, bạn tự trách bản thân và dặn lòng xuống, tất cả lớp cảm xúc buồn tủi bị bỏ lơ không thương tiếc, hay nếu không muốn nói là bị phán xét, không được chấp nhận.
Người tốt, người cư xử đúng, hiểu biết...bạn làm nhiều rồi, nhưng bạn có thấy vui không, có thấy hạnh phúc không. Hay chỉ là chút thỏa mãn hư vô rằng à mình thật là người tốt tính, để xoa dịu một đống hỗn độn cảm xúc bên trong và không ít lần tự nghi ngờ bản thân rằng mình có đủ tốt không.
Việc giữ lại tổn thương cho riêng mình, quen với việc luôn tỏ ra ổn, không để ai biết mình cảm thấy gì, dù thế nào cũng cư xử theo một lề lối có sẳn rập khuôn để được coi là người tốt là việc lặp đi lặp lại kí ức tổn thương bị bỏ rơi cảm xúc lúc nhỏ. Bạn không nhiều hơn việc lặp lại cách mình từng được đối xử, giờ bạn tự đối xử với mình như vậy, và sau này là con của bạn. Cho đến khi bạn thôi xem nó là bình thường và thừa nhận việc đó không dễ dàng, rằng nó khó khăn, cô đơn và buồn thế nào. Đó không phải là thất bại, cũng không phải buông thả, ngược lại, đó là cách duy nhất kéo bạn lên lại, không buông thả bản thân theo cách mình đã vô tình được nhận lấy, đối xử với mình tốt một chút, cuộc đời sẽ khác.
Nhận xét
Đăng nhận xét